Terrarium - Bộ môn nghệ thuật đắt giá - 9X GARDEN

Terrarium - Bộ môn nghệ thuật đắt giá

– GREEN LIVING –

Bên cạnh xu hướng trồng cây cảnh mini ở đời sống hiện đại, thì tiểu cảnh Terrarium – nghệ thuật trồng cây trong bình thủy tinh cũng dần được chú ý nhiều hơn tại Việt Nam, đặc biệt đối với những người trẻ. Mặc dù đã được xem là biểu tượng thẩm mỹ tại Hoa Kỳ từ vài trăm năm trước, nhưng tại Việt Nam, bộ môn trồng Terrarium bắt đầu được du nhập vào khoảng những năm gần đây, 9X GARDEN tự hào là một trong những đơn vị tiên phong với bộ môn nghệ thuật này, và cũng đã xây dựng được những mẫu Terrarium mang ‘chất’ riêng cùng với việc tự chủ động nuôi trồng hệ thực vật theo quy chuẩn của chúng mình.
Terrarium được yêu thích bởi vì người ta có thể sáng tạo ra chúng một cách hết sức riêng biệt mà không cần phải đi theo một quy củ nào cả. Và sau đó lại có thể tự tay chăm bón cho chính thành phẩm mà mình làm ra, ngắm nhìn nhành cây bên trong lớn lên từng ngày dưới lớp kính trong suốt. Vậy Terrarium là gì? Nguồn gốc lịch sử? Cấu tạo và Cách chăm sóc chúng như thế nào? Cùng 9X GARDEN tìm hiểu nhé!

Terrarium - Bộ môn nghệ thuật đắt giá - 9X GARDEN
Hình ảnh: Terrarium rất đa dạng về kiểu dáng và kích thước

Terrarium là gì?

Terrarium là một thuật ngữ dùng để chỉ một hệ sinh thái thu nhỏ mô phỏng môi trường sống tự nhiên, trong hệ sinh thái này bao gồm sỏi, đất, cây trồng,…Tất cả đều được đặt trong một chiếc lọ, chai hoặc bình thủy tinh với nhiều kích thước lớn nhỏ khác nhau. Thông qua lớp kính trong suốt, chúng ta có thể nhìn thấy và quan sát quá trình tự nhiên đang diễn ra bên trong.
Thuật ngữ Terrarium xuất phát từ ‘terra’ trong tiếng Latin nghĩa là đất sỏi và hậu tố ‘-arium’ là để nói về một khu vực hoặc thùng chứa có không gian giới hạn.

Terrarium - Bộ môn nghệ thuật đắt giá - 9X GARDEN
Hình ảnh: Terrarium là một hệ sinh thái thu nhỏ

Lịch sử Terrarium

Terrarium ban đầu được phát minh tình cờ vào năm 1827 bởi Nathaniel Bagshaw Ward, một bác sĩ người Anh nhưng lại có niềm yêu thích đối với thực vật học. Ông đã đặt một cái kén trong bình thuỷ tinh kín và tiến hành quan sát. Sau một thời gian quan sát, ông nhận thấy rằng có sự phát triển mạnh mẽ của một số loại thực vật như rêu và dương xỉ ngay tại phần đất dưới đáy bình. Trước đó, ông từng xây dựng một tiểu cảnh với núi đá và dương xỉ tại sân sau của mình, nhưng những cây dương xỉ chết rất nhanh chóng và thường xuyên, nguyên nhân dẫn đến việc này là do chúng bị ngộ độc khí thải được phát ra từ các nhà máy trong thành phố London. Lúc này, Tiến sĩ Ward mới đưa ra kết luận rằng vốn dĩ thực vật bên trong lọ thủy tinh có thể phát triển tốt là nhờ vào việc được bảo vệ khỏi không khí ô nhiễm của thành phố.

Terrarium - Bộ môn nghệ thuật đắt giá - 9X GARDEN
Hình ảnh: Nathaniel Bagshaw Ward

Ông tiếp tục phát triển thêm nhiều nhà kính thu nhỏ và đặt cho chúng cái tên ‘fern cases’. Và ngày nay, để tưởng nhớ tới phát minh này, người ta đã đặt tên cho các lồng kính được sử dụng để trồng cây là Wardian cases, hay còn gọi là Terrarium.
Các nghiên cứu của Wardian nhanh chóng trở nên phổ biến trong giới thực vật học của Anh và Châu u. Việc Wards khám phá ra Terrarium không chỉ mở ra cánh cổng cho ngành thực vật học quốc tế mà còn cho phép các nhà khoa học hiểu rõ hơn về các hệ sinh thái khác nhau và quan sát thực vật cũng như các loài động vật nhỏ trong môi trường gần với môi trường tự nhiên của chúng.
Terrarium vẫn luôn được xem như là một bộ môn nghệ thuật chứ không đơn thuần chỉ là trồng những loài thực vật và để chúng sống bên trong bình thủy tinh. Ở thời đại lúc bấy giờ, các tầng lớp được phân chia rất rạch ròi nhưng hầu hết mọi người đến từ các tầng lớp khác nhau đều có hứng thú với nghệ thuật trồng cây trong lọ thủy tinh – Terrarium. Trong khi tầng lớp bình dân phải tạo ra Terrarium với những nguyên liệu thô sơ thì phía giới thượng lưu lại cực kỳ đa dạng về cả bố cục lẫn kích thước. Terrarium của họ được xây dựng một cách vô cùng công phu và tỉ mỉ đến từng chi tiết. Wardian case còn là biểu tượng thẩm mỹ của giới thượng lưu tại Hoa Kỳ trong những năm 1860, và được dùng để trang trí trong các căn nhà sang trọng.

Terrarium - Bộ môn nghệ thuật đắt giá - 9X GARDEN
Hình ảnh: Một trong những mẫu Terrarium đời đầu

Cấu tạo của Terrarium

Bên trong một chiếc Terrarium sẽ gồm bốn lớp cơ bản cấu tạo thành, bao gồm lớp đáy, lớp giữa, lớp giá thể và hệ thực vật bên trên cùng. Những vật liệu để làm nên bốn lớp này được lựa chọn tùy theo độ tiện lợi và nhu cầu riêng của từng người.

Lớp đáy

Bình Terrarium không có lỗ thoát nước như chúng ta vẫn thường thấy trên chậu trồng cây cảnh. Vì vậy, cần lót một lớp dưới đáy để thoát nước và giữ cho nước không đọng lại trên lớp giá thể trồng làm bí rễ, đây được xem là một “khay chứa nước”. Lớp phía dưới cùng của Terrarium có thể là sỏi, than,…nhưng vật liệu được sử dụng nhiều nhất chính là sỏi, vì sỏi rất thông thoáng, phổ biến và dễ tìm.

Terrarium - Bộ môn nghệ thuật đắt giá - 9X GARDEN
Hình ảnh: Sỏi tự nhiên

Lớp giữa

Đối với lớp giữa người ta có thể sử dụng lưới, dớn hoặc than hoạt tính… Đây là lớp được chèn giữa, ngăn cách lớp giá thể ở phía trên và lớp đáy để lọc cặn bẩn khi tưới nước và đồng thời cũng để ngăn không cho giá thể chạm trực tiếp vào nước đang được chứa ở dưới đáy.

Terrarium - Bộ môn nghệ thuật đắt giá - 9X GARDEN
Hình ảnh: Dớn

Lớp giá thể

Tiếp theo sau sẽ là lớp giá thể hay còn gọi là chất trồng, có thể sử dụng nhiều loại giá thể khác nhau như đất, rêu than bùn, đá hoặc xơ mùn dừa,…để trồng và nuôi dưỡng hệ thực vật bên trên. Giá thể trồng Terrarium tùy thuộc vào loại cây bạn muốn trồng nhưng nên ưu tiên các giá thể thông thoáng và tơi xốp, giúp rễ cây thoáng khí để “thở”, không bị thối rễ hoặc úng, và cũng hạn chế được nấm mốc, vi khuẩn.

Terrarium - Bộ môn nghệ thuật đắt giá - 9X GARDEN
Hình ảnh: Xơ mùn dừa

Hệ thực vật

Lớp trên cùng là hệ thực vật (rêu hoặc cây). Rêu thì rất đơn giản để lựa chọn, có vô vàn các loại rêu rất đẹp và dễ trồng như rêu Java, rêu Flame, rêu Pelia,… Nhưng với cây lại là một vấn đề khác, thật ra cũng không có bất kỳ quy tắc nào cho việc chọn cây trồng trong Terrarium cả, nhưng 9X GARDEN sẽ đưa ra cho bạn vài lưu ý khi chọn cây nhé!

Chọn cây có tốc độ phát triển chậm

Thông thường bạn nên lựa chọn những loại cây phát triển chậm một chút vì nếu cây lớn quá nhanh sẽ làm mất tính thẩm mỹ tổng thể.

Terrarium - Bộ môn nghệ thuật đắt giá - 9X GARDEN
Hình ảnh: Ưu tiên cây có tốc độ phát triển chậm

Kích thước của lá

Nếu bạn muốn trồng nhiều loại cây khác nhau thì hãy lưu ý về kích thước của lá cây nhé. Nếu kích thước lá quá chênh lệch nhau thì những cây có lá lớn sẽ cản bớt ánh sáng của những cây nhỏ hơn và lâu dần chúng sẽ trở nên èo uột vì thiếu sáng.

Terrarium - Bộ môn nghệ thuật đắt giá - 9X GARDEN
Hình ảnh: Lưu ý kích thước lá

Chọn cây cho Terrarium kín

Nếu bạn lựa chọn cây ưa ẩm như Dương xỉ, Fittonia (lá may mắn), Trầu Bà,..thì đều có thể trồng trong Terrarium kín hoặc hở, nhưng chắc chắn nếu được nuôi dưỡng trong bình kín thì cây sẽ được cấp ẩm tốt hơn và bạn cũng đỡ mất thời gian tưới nhiều lần, vì trong môi trường kín độ ẩm rất cao và tăng rất nhanh.

Terrarium - Bộ môn nghệ thuật đắt giá - 9X GARDEN
Hình ảnh: Terrarium kín phù hợp với các loại cây ưa ẩm cao

Chọn cây cho Terrarium hở

Còn nếu bạn chọn trồng các nhóm thực vật mọng nước thích nghi với khí hậu khô như Xương Rồng, Sen đá thì tốt nhất chỉ nên trồng trong bình Terrarium hở để đáp ứng đủ độ thông thoáng cho cây, nếu trồng trong môi trường kín với độ ẩm quá cao sẽ gây ra hiện tượng thối rữa nhanh chóng. Nhưng 9X GARDEN không khuyến khích các bạn trồng những loại cây này vì như các bạn đã biết, khí hậu Việt Nam vốn rất nóng và ẩm nên sẽ gây nhiều bất lợi khi trồng chúng.

Terrarium - Bộ môn nghệ thuật đắt giá - 9X GARDEN
Hình ảnh: Terrarium hở đa dạng hơn về cây

Phân loại Terrarium

Terrarium có thể được phân ra hai loại là kín hoặc mở dựa trên mức độ biệt lập so với môi trường bên ngoài.

Terrarium kín (Closed Terrarium)

Terrarium kín là phương pháp trồng thực vật trong hệ không gian khép kín, quá trình tuần hoàn của nước bên trong diễn ra liên tục nên độ ẩm rất cao và luôn được duy trì. Hơi ẩm xuất hiện từ đất và thực vật, sau khi bay hơi, hơi ẩm sẽ ngưng tụ tại thành bình hoặc nắp bình thủy tinh, sau đó nhỏ giọt và thấm ngược xuống đất ở phía dưới, chu kỳ này sẽ lặp đi lặp lại và tạo ra môi trường kín lý tưởng cho việc trồng cây khi được cung cấp nước liên tục không lo cây bị khô. Nhưng thỉnh thoảng bạn cũng nên mở nắp bình để kiểm tra độ ẩm bên trong nếu không thấy lớp sương mờ đọng trên thành và đồng thời cũng để không khí lọt vào giúp cây trao đổi chất. Bên cạnh đó, nên chú ý không để độ ẩm vượt quá mức vì có thể gây ra nấm mốc.

Terrarium - Bộ môn nghệ thuật đắt giá - 9X GARDEN
Hình ảnh: Terrarium kín (Closed Terrarium)

Terrarium hở (Open Terrarium)

Terrarium hở cực kỳ phổ biến, những người mới tập làm quen với bộ môn trồng tiểu cảnh Terrarium phù hợp hơn với dạng Terrarium hở. Dạng hở sẽ thuận lợi hơn cho cây “hít thở” không khí bên ngoài, đồng thời cũng thông thoáng hơn và hạn chế được vấn đề nấm mốc. Nhược điểm của Terrarium dạng này chính là chúng không thể giữ ẩm liên tục vì hơi nước bốc lên sẽ thoát hết ra bên ngoài, bạn phải tưới nước hoặc xịt phun sương thường xuyên, tránh để cây và rêu khô héo.

Terrarium - Bộ môn nghệ thuật đắt giá - 9X GARDEN
Hình ảnh: Terrarium hở (Open Terrarium)

Hệ sinh thái mô phỏng Terrarium

• Aquaterrarium: Bao gồm một phần dưới nước và một phần trên cạn. Có nhiều hình thức chuyển tiếp của Aquaterrarium như Paludarium (hồ bán cạn), Riparium (mô phỏng theo một đoạn bờ sông), Rivarium (mô phỏng theo một đoạn sông suối với sỏi đất).
• Forestterrarium: Mô phòng sinh cảnh rừng, là dạng chuyển tiếp giữa một terrarium khô và terrarium rừng mưa nhiệt đới.
• Rainforestterrarium: Mô phỏng môi trường sống của động thực vật rừng mưa nhiệt đới.
• Dryterrarium: Dùng để chỉ các dạng terrarium nóng và khô, chúng được mô phỏng thành các phân loại nhỏ hơn như Desertterrarium (mô phỏng sa mạc), Steppeterrarium (mô phỏng thảo nguyên khô), Savannaterrarium (mô phỏng sinh cảnh trảng cỏ) và Rockterrarium (mô phỏng cảnh quan bãi đá).

Terrarium - Bộ môn nghệ thuật đắt giá - 9X GARDEN
Hình ảnh: Hệ sinh thái mô phỏng terrarium đa dạng

Cách chăm sóc Terrarium

Tưới nước

Việc tưới nước cho Terrarium có thể được quan sát bằng mắt thường để biết khi nào nên tưới. Bất cứ khi nào bạn nhìn thấy lớp đất chuyển màu nhạt đi hoặc trông đất tơi ra chứ không kết dính với nhau thì đó chính là dấu hiệu Terrarium đang cần nước. Không nên tưới quá nhiều vì sẽ gây ngập úng, bạn chỉ cần tưới đến khi màu đất sẫm lại hoặc nhìn thấy nước tràn xuống dưới lớp sỏi thì dừng lại.
Bên trong Terrarium, rêu là nhóm thực vật cần độ ẩm cao nhất, chúng lấy nước, chất dinh dưỡng trực tiếp qua tế bào. Khả năng giữ nước trong cơ thể của chúng không tốt. Nếu thấy rêu ngả vàng thay vì màu xanh mướt như ban đầu, chiều cao kém phát triển, thì đây là biểu hiện của việc thiếu nước. Xịt phun sương mỗi ngày để cấp ẩm cho rêu sẽ giúp rêu phát triển mạnh mẽ hơn và luôn giữ được màu xanh tốt.

Terrarium - Bộ môn nghệ thuật đắt giá - 9X GARDEN
Hình ảnh: Tưới nước với lượng vừa đủ là tốt nhất

Ánh sáng

Cũng giống như trồng cây nội thất thông thường, Terrarium cũng cần có ánh sáng để thực vật bên trong quang hợp, chỉ cần bạn nhớ rằng ‘cái gì nhiều quá cũng không tốt’.
Quá ít ánh sáng: Cây sẽ mọc cao rất nhanh để tìm kiếm ánh sáng hoặc mọc lệch về một hướng, nơi có nhiều ánh sáng. Lượng ánh sáng được hấp thụ vào quá ít cũng có thể khiến cây và rêu trở nên nhợt nhạt.
Quá nhiều ánh sáng: Đặc biệt là dưới ánh nắng trực tiếp sẽ dẫn đến hiện tượng cháy lá, lá trở nên vàng vọt, khô héo.
Nên đặt Terrarium ở nơi có thể đón được nhiều ánh sáng tự nhiên gián tiếp nhất trong nhà chẳng hạn như cửa sổ. Nếu trong nhà không có đủ ánh sáng tự nhiên thì chúng ta vẫn có thể sử dụng đèn nhân tạo thay thế. Và tuyệt đối không được để Terrarium phơi nắng trực tiếp, đặc biệt là Terrarium kín, nhiệt độ cao cộng với độ ẩm cũng rất cao ở bên trong sẽ tác động nhiệt lên thành bình thủy tinh, gây hầm nóng và dẫn đến chết cây. Ngoài ra, rêu là thực vật rất ưa ánh sáng nhưng phải đi kèm với nhiệt độ thấp nên nguồn ánh sáng lý tưởng nhất cho chúng chính là ánh sáng nhân tạo. Bạn có thể đặt Terrarium trên kệ hoặc bàn học, bàn làm việc miễn là khoảng cách tiếp xúc của chúng với ánh đèn điện không quá xa là được.

Terrarium - Bộ môn nghệ thuật đắt giá - 9X GARDEN
Hình ảnh: Đặt ở nơi có nhiều ánh sáng nhưng tránh ánh nắng trực tiếp

Hàng trăm năm đi qua, Terrarium vẫn luôn được ưa chuộng và ngày càng phổ biến với nhiều kiểu dáng hơn. Nhưng, vẫn còn nhiều người chưa biết đến bộ môn nghệ thuật trồng cây này, chắc có lẽ guồng quay của thời đại đã dần đẩy mọi người ra xa khỏi thiên nhiên. Terrarium là phát minh vĩ đại của nghệ thuật trang trí thực vật, chính là nơi để tất cả mọi người thể hiện khả năng sáng tạo của bản thân. Thứ đất cát rất đỗi bình dị, cùng với những loài thực vật sống động bên trong khiến người ta chìm đắm vào.

Terrarium - Bộ môn nghệ thuật đắt giá - 9X GARDEN
Hình ảnh: Terrarium là một bộ môn nghệ thuật

Chúng mình hi vọng rằng, Terrarium sẽ được nhiều người tiếp cận hơn và điều quan trọng nhất để hệ thực vật có thể sống tốt, sống bền đó là tầm hiểu biết đúng đắn để đáp ứng những gì chúng cần. Và cũng để mọi người hiểu được rằng Terrarium không đơn giản chỉ là đem cái cây bỏ vào bình trồng, chưa kể đại đa số chúng ta thường chỉ xem chúng như một món đồ trang trí, đây lại là một quan điểm vô cùng tiêu cực và sai lầm. Terrarium là cả một hệ thực vật vẫn đang sống và phát triển như con người chúng ta. Nếu chỉ vì cố chạy theo “xu hướng” trồng tiểu cảnh đang dần rộ lên mà không đủ am hiểu, không đủ “nhẫn” để theo đuổi bộ môn này, đặc biệt là đối với những cá nhân hoặc đơn vị trực tiếp truyền đạt hoặc hướng dẫn những newbies mới tìm hiểu bộ môn này, thì trước sau gì cũng sẽ thoái trào như bao trào lưu khác, và ý nghĩa tinh thần mà bộ môn nghệ thuật này mang lại chỉ còn là con số không. Còn đối với 9X GARDEN chúng mình, Terrarium chính là một bộ môn nghệ thuật đắt giá của mọi thời đại.

Toàn bộ nội dung và hình ảnh thuộc bản quyền của 9X GARDEN. Vui lòng không sao chép dưới mọi hình thức.

4.9/5
Share on facebook
Share on google
Share on pinterest
error: Thao tác không được phép!!
Chat Zalo FB Messenger 0905 187 357 Tư vấn nhanh Tìm đường