Terrarium bị nấm mốc
– GREEN LIVING –
– GREEN LIVING –
Terrarium bị mốc là một phần tất yếu, nhất là với những thời gian đầu vừa hoàn thiện, hệ sinh thái terrarium đang cần thời gian để thích nghi và ổn định. Ngay cả với những sản phẩm terrarium sử dụng nguyên liệu tốt nhất, nấm mốc vẫn có thể phát triển do điều kiện môi trường sống thực tế không thể nào đạt đến độ hoàn hảo như trong nhà kính.
Vậy nguyên nhân dẫn đến tình trạng nấm mốc ở terrarium là gì? Có phương pháp này để đối phó với “căn bệnh” này không? Tất cả sẽ được giải đáp ở bài viết này. Cùng 9X GARDEN tìm hiểu nhé.
Nấm mốc và mốc là thuật ngữ chung để chỉ các loại nấm nhỏ có thể phát triển trên nhiều bề mặt khác nhau. Và nấm là loài sinh dưỡng. Chúng tham gia vào quá trình xử lý các chất hữu cơ đã bị phân hủy. Nấm mốc trong Terrarium cũng thuộc loại này. Ngoài tự nhiên, chúng sẽ ăn lá rụng và các cây đã chết. Trong môi trường terrarium, thức ăn của chúng là đường và các chất hữu cơ ẩm khác.
Nấm mốc thường sinh sôi nhất là trên các cành lũa. Nhìn chung, nấm mốc sẽ không gây ảnh hưởng nếu cây khỏe mạnh. Trên thực tế, chúng ta vẫn có thể thấy terrarium bị mốc mà hệ thực vật vẫn sinh trưởng tốt. Dù vậy, để tránh đi trường hợp xấu nhất thì việc phòng tránh, hạn chế nấm mốc cũng rất quan trọng trong chu trình chăm sóc terrarium.
Để phát triển, nấm mốc cần độ ẩm và môi trường ẩm ướt của terrarium, đặc biệt là terrarium kín gần như hoàn hảo để “những vị khách không mời” này đến trú ngụ. Chúng di chuyển bằng cách phóng thích các bào tử bay lơ lửng trong không khí và đáp xuống một vị trí thích hợp để sinh trưởng.
Có nhiều loại nấm mốc khác nhau. Nấm mốc xuất hiện trong bình terrarium với một số sắc thái từ đen, trắng, xanh lá cây và cam. Phổ biến nhất là các loại nấm mốc và bệnh do nấm mốc sau:
Terrarium bị mốc thường thấy nhất là nấm mốc trắng (White mold) hình thành do nấm Sclerotinia sclerotiorum. Chúng thường bắt đầu với các đốm trắng mờ trên đất hoặc các ngọn của tán lá, sau đó phát triển lớn hơn nếu không bị gián đoạn. Ngoài ra, loại nấm mốc này cũng có thể hình thành ở tầng thấp hơn trong lớp nền. Nấm mốc trắng thích điều kiện nóng ẩm.
Bệnh phấn trắng (Powdery Mildew) là một loại bệnh do nấm Erysiphe cichoracearum gây ra, biểu hiện dưới dạng lớp phấn phủ trên tán lá, cuối cùng sẽ chuyển sang màu nâu khi bệnh nấm mốc phát triển. Thông thường những loại nấm mốc khác tận dụng nước để lây lan nhưng với nấm bệnh phấn trắng thì không nhất thiết, chúng có thể tự sinh sôi trong môi trường độ ẩm cao.
Bệnh đốm đen là một loại bệnh khác hình thành do nấm có thể xuất hiện trên các loại cây trong terrarium. Bệnh biểu hiện dưới dạng những đốm đen trên lá cây. Sự xuất hiện của bệnh đốm đen chính là dấu hiệu cho thấy bình terrarium có thể bị dư nước. Lúc này, cần điều chỉnh lượng nước tưới cho terrarium.
Nếu thấy trên các lá già và sắp chết có một lớp mờ màu xám thì đó không gì khác ngoài mốc xám. Mốc xám thường xuất hiện ở những chỗ bị ngấm nước, do loại nấm Botrytis cinerea, vì vậy những chiếc lá già dính vào bề mặt của kính thủy tinh có nguy cơ bị mốc xám cao hơn. Loại nấm mốc này có thể khiến cây chết vì vậy ngay khi phát hiện cần nhanh chóng loại bỏ chúng.
Bệnh sương mai (Downy Mildew) là loại bệnh do nấm mốc cuối cùng được chúng mình đề cập trong bài viết này. Bệnh sương mai do nấm Pseudoperonospora cubensis gây ra, có thể xuất hiện dưới dạng các đốm màu xanh lá, vàng, nâu hoặc tím trên lá cây.
Như chúng ta đã cùng tìm hiểu ở trên, nấm mốc và các loại mốc đặc biệt ưa thích ẩm ướt. Terrarium lại hoạt động theo cơ chế vòng tuần hoàn nước để duy trì độ ẩm và lượng nước nhất định cho hệ sinh thái. Đây chính là điều kiện tốt nhất để nấm và mốc có thể xuất hiện và sinh sôi. Terrarium có khả năng bị nấm mốc cao hơn trong môi trường nóng ẩm – độ ẩm cao và giảm lưu thông không khí. Nếu kết hợp với dư nước do tưới quá nhiều, nấm mốc sẽ lây lan mạnh mẽ và rất nhanh chóng “phá hủy” cây trồng tiểu cảnh.
Hãy cùng điểm qua một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng terrarium bị mốc dưới đây để có bảo vệ tiểu cảnh của bạn được khỏe đẹp lâu dài hơn.
Tưới nước quá nhiều, quá thường xuyên và không kiểm tra bình terrarium để kịp thời phát hiện tình trạng dư nước. Lượng nước dư thừa gây ra úng, ẩm ướt, từ đó nấm mốc sẽ phát triển mạnh mẽ và lan rộng hơn. Hơi nước đọng trên bề mặt kính liên tục cũng là dấu hiệu cho thấy terrarium có quá nhiều nước và có nguy cơ hình thành nấm mốc.
Trong không khí sẽ luôn tồn tại các bào tử nấm mốc và chúng sẽ xuất hiện ở bất cứ môi trường thuận lợi nào một cách tự nhiên. Giá thể hay đất có xu hướng ẩm nên nấm mốc xuất hiện khá nhanh. Khi chúng ta sử dụng cho terrarium, mầm mống nấm mốc cũng từ đó đi theo và ủ bệnh.
Đặt terrarium gần những vật dụng tạo nhiệt, nguồn nhiệt (Bếp, tủ lạnh, tivi….) sẽ khiến nấm mốc dễ phát triển. 20 độ C đến dưới 30 độ C là nhiệt độ lý tưởng cho terrarium. Nếu không gian xung quanh terrarium quá ấm nóng, kết hợp với dư ẩm, nấm mốc có thể dễ dàng xuất hiện bất cứ lúc nào.
Terrarium hở thông thường ít bị nấm mốc vì không khí có thể lưu thông tự do làm giảm nhiệt độ ấm lên xung quanh cây và cho phép lượng nước dư thừa bốc hơi. Tình trạng nấm mốc thường gặp ở terrarium kín hơn bởi khả năng lưu thông không khí giảm đi.
Thảm thực vật quá rậm rạp cùng với rêu và lá rụng phân hủy cũng góp phần tạo ra nấm mốc trong terrarium. Đó là nguồn thức ăn dồi dào cho chúng. Cây trồng dày đặc cũng có thể hạn chế lưu thông khí trong bình, từ đó “khuyến khích” sự lây lan của nấm mốc gây hại.
Sau khi đã biết về các loại nấm mốc và nguyên nhân dẫn đến tình trạng terrarium bị mốc, chúng mình sẽ chia sẻ một số cách để mọi người có thể ngăn chặn “những nhân vật quái gở” này. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, hy vọng những cách này có thể giúp mọi người có thể đối phó với nấm mốc ngay từ giai đoạn đầu tiên.
Terrarium hoàn chỉnh sẽ có 4 lớp cơ bản là lớp đáy, lớp giữa, lớp giá thể và hệ thực vật. Mỗi lớp đều có công dụng khác nhau. Chúng ta có thể ngăn chặn nấm mốc ngay từ 3 lớp đầu tiên hay còn gọi chung là lớp nền.
Lớp đáy giúp thoát nước tốt, như một khay chứa nước hạn chế lượng nước dư thừa gây úng cây. Ở lớp này thông thường sẽ dùng sỏi, ngoài ra chúng ta có thể thêm than hoạt tính vào để tăng khả năng lọc nước và kháng khuẩn, từ đó ngăn ngừa sự phát triển của nấm mốc.
Lớp giữa thường là dớn hoặc than. Lớp này ngăn giá thể ở trên chạm trực tiếp vào lượng nước giữ ở đáy cũng như lọc cặn bẩn. Vì thế, một lớp giữa an toàn sẽ giúp ngừa khả năng nấm mốc hình thành.
Giá thể đầu vào sạch sẽ, an toàn chính là phần quan trọng nhất. Như chúng mình đã chia sẻ, để đạt đến điều kiện hoàn hảo là không thể nhưng mà chúng ta có thể ưu tiên lựa chọn đất terrarium được xử lý sạch sẽ để hạn chế khả năng mầm bệnh nấm mốc tiềm ẩn. Ngoài ra, chúng ta có thể khử trùng giá thể bằng lò vi sóng hoặc lò nướng để diệt các bào tử nấm mốc. Cho giá thể vào lò với nhiệt độ 350 độ trong 30 phút bằng khay nướng riêng. Đây cũng là cách xử lý khi giá thể gặp tình trạng hay có nguy cơ nấm mốc trước khi dùng.
Cây terrarium cần được chọn kỹ lưỡng không chỉ đảm bảo sự khỏe mạnh mà còn là khả năng thích nghi phù hợp với môi trường từng loại terrarium. Kiểm tra cây trồng để tìm bất kỳ dấu hiệu của bệnh hoặc côn trùng có thể gây bệnh trước khi trồng cây vào terrarium.
Nếu đã phát hiện một số nấm mốc nhưng vẫn thực sự muốn sử dụng loại cây đó, tốt nhất là nên cắt tỉa những phần bị nhiễm bệnh và để cây ở một vị trí thích hợp bên ngoài một thời gian cho cây khỏe mạnh trở lại. Sau một vài tuần mà không có nấm mốc phát triển thêm thì có thể yên tâm đem cây vào bình terrarium.
Môi trường thoáng mát hay nhiệt độ phòng máy lạnh sẽ rất tốt cho terrarium. Đặt terrarium ở vị trí quá nóng, mặt kính hấp thụ nhiệt cao sẽ tạo nên điều kiện nóng ẩm khi kết hợp giữa nhiệt độ bên ngoài và nhiệt độ bên trong terrarium, từ đó tạo nên môi trường lý tưởng để nấm mốc sinh sôi.
Trong trường hợp này, đối với terrarium kín, có thể mở hé cửa bình để thông thoáng khí. Bên cạnh đó cũng nên di chuyển bình terrarium đến một vị trí mát mẻ hơn.
Nên kiểm tra đất hoặc độ ẩm của rêu trước khi tưới nước và dùng bình để phun sương mịn cũng như cân bằng lại lượng nước và chu trình tưới nước để giảm nguy cơ nấm mốc xảy ra. Bởi vì terrarium không có lỗ thoát nước như chậu cây cảnh thông thường, việc tưới nước quá nhiều sẽ dẫn đến tình trạng tồn đọng, tăng nguy cơ terrarium bị mốc.
Có thể xác định terrarium có đang dư ẩm hay không thông qua hơi nước đọng trên bề mặt thủy tinh. Để giải quyết tình trạng dư nước, tốt nhất nên mở nắp hàng ngày, mỗi lần ít nhất ba giờ để lượng nước thừa bay hơi. Nếu nhận thấy mùi ẩm mốc khi mở terrarium thì đó là dấu hiệu cho thấy nó cần được lưu thông khí. Đậy nắp sau thời gian này và kiểm tra mức độ ngưng tụ hơi ẩm trên kính, nước ngưng tụ trên kính trong một vài giờ là chuẩn. Còn khi thấy không có hơi nước ngưng tụ và đất trồng hơi khô, hãy lấy đầu ngón tay ấn vào đất để kiểm tra xem có còn hơi ẩm hay không. Nếu quá khô, nên tưới phun sương một hoặc hai lần.
Đảm bảo cung cấp đủ ảnh sáng cần thiết và đúng với các góc có rêu. Rêu thiếu sáng sẽ tạo điều kiện cho nấm mốc mạnh mẽ phát triển.
Thời gian chiếu sáng lý tưởng nhất là 6 đến 8 tiếng liên tục một ngày. Tuy nhiên nếu cường độ sáng mạnh và nhiệt độ quá cao, có thể linh hoạt như chiếu khoảng 1 đến 3 tiếng thì ngưng khoảng 10 đến 20 phút và tiếp tục chiếu sáng đủ với thời gian cơ bản trong một ngày. Điều này có thể hạn chế tình trạng vàng rêu, cháy rêu do terrarium bị khô.
Việc vệ sinh, khử trùng vật dụng và giá thể trước khi setup Terrarium được coi là điều bắt buộc: làm sạch bể kính và để khô; rửa sỏi hoặc đá, luộc lũa…
Bên cạnh đó, việc thường xuyên kiểm tra và cắt tỉa lá vàng, loại bỏ rêu hư hại cũng là cách để loại bỏ đi nguồn thức ăn của nấm mốc và ngăn chặn chúng phát triển. Lau chùi trong và ngoài bề mặt kính, các cành lũa, phụ kiện trang trí…để không còn cơ hội nào cho những mầm mống căn bệnh khó chịu đó sinh sôi.
Terrarium là một bộ môn trồng cây nghệ thuật, mỗi tác phẩm là một giá trị nghệ thuật và người chơi chính là một nghệ nhân. Vì thế, quá trình chăm sóc cũng đòi hỏi sự yêu thương, tận tâm và kiên nhẫn. Hãy học cách quan sát trạng thái và lắng nghe tâm trạng của terrarium để có sự điều chỉnh và phát huy phù hợp, duy trì vẻ đẹp nguyên bản dài lâu trong từng tác phẩm.
Thời gian đầu chính là giai đoạn dễ phát hiện và xử lý nấm mốc kịp thời để tránh được sự lây lan với tốc độ chóng mặt của chúng. Vì thế kiểm tra thường xuyên sẽ nhanh chóng giải quyết mầm bệnh.
Khi phát hiện nấm mốc đã hình thành mà nguyên nhân có thể xác định là do độ ẩm và các giải pháp ngăn chặn không hiệu quả thì có thể nhanh chong mở nắp bình để không khí được trao đổi với môi trường, đồng thời thoát hơi ẩm còn dư thừa bên trong. Tạm ngưng tưới nước và tăng số giờ không đậy nắp trong vài ngày để tăng dần sự thông gió. Cách này có thể thực hiện khi bình terrarium mới hình thành nấm mốc và trong phạm vi nhỏ.
Cách này được dùng khi công đoạn vệ sinh định kỳ ngăn chặn nguy cơ terrarium bị mốc không thành công. Nếu đã bắt gặp nấm mốc ở giai đoạn rất sớm và chúng chỉ mới tồn tại ở một hoặc hai chiếc lá hoặc một điểm trên bề mặt đất, rêu, thì mọi người nên thao tác xử lý, dọn sạch phần nấm mốc một cách dứt khoát. Có thể loại bỏ ngay các phần nhỏ đó như cắt các tán lá bị nhiễm, loại bỏ phần đất, rêu tại vị trí mốc hay dùng cồn pha loãng thấm vào khăn giấy hay tăm bông để lau lên vị trí nấm mốc. Cách này giúp tránh lây nhiễm nấm mốc cho các khu vực khác, tiêu diệt đi mầm bệnh và giảm nguy cơ trở lại của chúng.
Với terrarium có layout quá phức tạp và miệng bé không thể thao tác bằng tay để xử lý thì nên loại bỏ khu vực bị nấm mốc khỏi bể. Làm ẩm khu vực nấm mốc trong terrarium để hạn chế số lượng bào tử phát tán trong không khí khi bạn đang loại bỏ nấm mốc không mong muốn. Chà sạch khu vực bị mốc bằng cọ vẽ hoặc giấy thấm cồn. Ngoài ra, nếu có thể, hãy rửa nhẹ nhàng bằng xà phòng hoặc xịt bằng trà để ngăn nấm mốc quay trở lại. Sau khi loại bỏ được khu vực bị nấm mốc, hãy mở nắp bể để thoáng khí và phun sương nhẹ cho cây một lần nữa.
Vấn đề nấm mốc trong terrarium xuất hiện ở cây trồng thì loại bỏ một hoặc hai cây hay thậm chí toàn bộ cây bị nhiễm bệnh là một lựa chọn hợp lý nhất. Đảm bảo làm ẩm khu vực xung quanh để ngăn chặn sự lây truyền của bào tử sang các khu vực khác của bình. Mọi người nên đợi một hoặc hai tuần trước khi thực hiện bổ sung thêm cây mới vào bình terrarium để đảm bảo nấm mốc không ẩn náu ở những nơi khác.
Nếu nấm mốc nằm dưới lớp nền thì cách khuyến nghị đó là loại bỏ toàn bộ và vệ sinh bình thủy tinh sau đó thiết kế lại terrarium.
Đầu tiên, mọi người nhẹ nhàng loại bỏ cây, loại bỏ bất kỳ tán lá nào bị ảnh hưởng và để chúng ở nơi mát mẻ thông thoáng, theo dõi vài ngày để chắc chắn cây không bị lây nhiễm bệnh. Nếu cây còn nhiều nấm mốc thì bắt buộc phải bỏ đi.
Các nguyên liệu lớp nền cần được loại bỏ hoàn toàn, sau đó làm sạch lại bình và sỏi bằng nước xà phòng nóng và để khô ráo trước khi dùng lại.
Nấm mốc là không thể tránh khỏi và nỗi phiền toái mà hầu hết những người đam mê terrarium đều gặp phải ở một số giai đoạn. Chúng mình xem đó như là một kinh nghiệm để người chơi terrarium có thể làm tốt hơn trong tương lai cả về thiết kế hay chăm sóc. Mong rằng mọi người đã có những giờ phút bổ ích và một số kiến thức, cách xử lý khi terrarium bị nấm mốc. Chúc mọi người thành công nâng niu và chăm sóc bình terrarium của mình!
Toàn bộ nội dung và hình ảnh thuộc bản quyền của 9X GARDEN. Vui lòng không sao chép dưới mọi hình thức.
VỀ ĐẦU TRANG
Không đơn thuần là cửa hàng cây xanh, 9XGARDEN ra đời với mong muốn là điểm nối của mỗi người với thiên nhiên bằng những sản phẩm chất lượng, sáng tạo, thuần Việt. Với việc dừng lại chăm sóc và ngắm nhìn những sản phẩm xanh mỗi ngày, chúng ta sẽ có thêm những khoảng lặng để thấy yêu đời hơn, biết ơn nhiều hơn, tâm hồn mỗi chúng ta sẽ trở nên đẹp hơn.